Wednesday, August 18, 2010

Minh Cảnh – Minh Minh Tâm: Kỷ niệm khó quên


Xuất thân từ làng quê An Phú – Châu Đốc – An Giang, cậu bé có cái tên rất ngộ Phạm Văn Dữ sau khi học hết phổ thông đã tìm đường lên thị xã để mưu sinh. Đó là giai đoạn 1978, lúc mà công ty xây lắp An Giang đang tuyển người và thế là cậu trở thành công nhân rồi chuyển sang làm kiểm lâm nhưng vẫn không quên được cái nghề mà gia đình cậu yêu thích: Làm nghệ sĩ.
Minh Minh Tâm kể lại bằng sự hồi tưởng chính xác quá khứ lăn lộn đến với sân khấu của mình, qua mỗi câu chuyện kể anh vẫn không quên nhắc đến ông nội (nghệ nhân Ba Hưng), ông ngoại (nghệ nhân đờn kìm Tám Thôn) và người cha rất mê âm nhạc tài tử: Ngọc Lành (nghệ nhân violon). Cả 3 điểm tựa đó đã nâng bước chân anh vào nghề, truyền cho anh niềm đam mê cải lương từ nhỏ. Nhưng tận sâu trong niềm tôn kính thiêng liêng, Minh Minh Tâm không quên thần tượng đã hun đúc nơi anh một nghị lực để mạnh dạn đối diện với ước mơ, đó là danh ca Minh Cảnh. Anh bồi hồi nhớ lại...

“Tôi thật sự say mê giọng ca Minh Cảnh từ năm 6 tuổi, lúc đó có bao nhiêu tiền tôi đều mua bài ca và nghw radio để bắt chước giọng ca của anh. Hàng ngày trước khi đi học tôi phải nghe anh ca rồi mới xách cặp đi. Chiều chiều, khi ăn cơm xong tôi lại ra công viên gần rạp Minh Hiển để nghe người ta hát dĩa. Từ say mê anh, tôi mê coi cải lương. Khi đoàn Bông Lúa Vàng về diễn tại An Giang, tôi xin vô coi cọp. Ở nhà tôi lúc đó có chiếc xe hơi chở khách, tôi làm lơ xe có bao nhiêu tiền để dành mua băng, mua bài ca tập hát. Tôi nghe và thuộc hầu hết các vai tuồng của anh Minh Cảnh, nhất là các vở: Đêm Lạnh Chùa Hoang, Máu nhuộm sân chùa, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Áo Vũ cơ hàn...Đến năm làm việc ở công ty xây lắp, tình cờ nghe tôi ca tài tử với mấy người bạn, đạo diễn Hồ Bảy và anh Vĩnh Xuân (Trưởng đoàn Văn công Bến Tre) đã có ý định mời tôi về đoàn. Thú thật lúc đó tôi rất mừng, nhưng lại lo vì hồi nào tới giờ mình chỉ ca tài tử, có biết diễn xuất gì đâu mà đi theo gánh hát. Nhưng khi nghe đoàn sắp hợp đồng với anh Minh Cảnh, trong lòng tôi mở cờ vui sướng. Thế là tôi vô nghề. Ban đầu chỉ ca salon bài “Áo bà ba kỷ niệm ngày thu”. Khán giả vổ tay khen ngợi vỡ rạp. Vai đầu tiên tôi đóng là trong vở “Lục Văn Tiên”. Một cơ hội cho tôi là đêm đó kép Nhật Bình bị đau bụng nên tôi được thế vai Hớn Minh. Tôi còn nhớ chú Hồ Bảy đã vẽ mặt cho tôi. Ông lấy 2 ngón tay chấm vô màu đen, vẽ cặp chân mày cho tôi như 2 ổ bánh mì, ai cũng cười còn tôi thì vui lắm. Đến khi anh Minh Cảnh về đóng vai Vương Tử Trực, tôi bồi hồi sung sướng chờ được diễn chung với anh. Nhưng dịp mai đó thật hiếm hoi. Bù lại hàng đêm tôi được ngồi bên cánh gà xem tất cả vai diễn của anh. Đó là giai đoạn tối đúc kết cái hay của anh, bổ sung cho mình những nét chấm phá mới. Khi anh Minh Cảnh hết hợp đồng, lập gánh hát Minh Cảnh – An Châu, đoàn đã đưa tôi lên thế anh. Thật không có gì hạnh phúc cho bằng tôi được đóng những vai diễn mà mình hằng yêu thích, từ Lý Bình Nguyên cho đến Bên cầu dệt Lụa. Sau một năm đoàn Tiếng ca Sông Cửu của bầu Hai Néo mời tôi về làm kép chánh. Lúc đó lương của kép ở đoàn là 200 ngàn đồng, riêng tôi được trã 250 ngàn đồng. Tuy nhiên vì trong đoàn có sự ganh ghét nên tôi rất ít có vai diễn. Cho đến 1 ngày khi tôi được thế vai Trần Giả trong vở “Vẹn chữ chung tình”, khi đó khán giả bất ngờ vì gặp lại thần tượng là Minh Cảnh qua hình ảnh học trò của anh là tôi. Vé chợ đen tăng vọt ở rạp Hao Huê thời đó. Và tôi cùng với Tài Linh đã làm nên sự kiện: kéo khán giả Sài Gòn đến với cải lương tỉnh”.

Tôi cắt ngang dòng hồi tưởng của Minh Minh Tâm để nêu thắc mặc về nghệ danh của anh. Vì trước đây anh có nghệ danh là Thái Phương. Anh cười tươi lý giải: “Tên Thái Phương là do tôi đặt lúc mới bước vào nghề. Hồi đó tôi rất mê vở “Bảy mùa mai nở” mà trong đó anh Minh Phụng có ngâm mấy câu thơ nhắc đến nhân vật Hoàng Phương. Tôi lại có người bạn tên Thái đang đồng cam chịu khổ hồi còn là công ty xây lắp, nên quyết định ghép 2 chử Thái Phương làm nghệ danh. Bổng cái tết năm 1983, sau ngày mùng 1 ăn tết từ SG về hậu cứ, tôi và Tài Linh lúc đó còn mang tên Ngọc Châu đi qua bắc Cần Thơ thấy treo áp-phích quãng cáo: Đoàn tiếng ca Sông Cửu có hai đào kép mới: Minh Minh tâm- Tài Linh. Tôi đọc xong toát mồ hôi. Thì ra ông bầu cho mình về quê ăn tết để rước đào kép mới thay mình. Tôi và Tài Linh lúc đó rất buồn. Định vào hậu cứ chở đồ về SG nghỉ hát. Nhưng anh em hậu đài nói ông bầu đã cúng ché đổi tên mới cho hai người, từ đó tôi lấy luôn nghệ danh mà ông Hai néo đã đặt”.

Điều bất ngờ hơn khi mang cái tên Minh Minh Tâm, khán giả đã chú ý đến anh qua phong cách diễn xuất đa dạng và giọng ca điêu luyện. Nếu cái hay của NS Minh Cảnh là cách sắp chữ vô câu vọng cổ thật chắc nhịp và bóng bẩy còn ở Minh Minh Tâm còn có sự chân phương rất mùi mẫn, mà dường như trong từng câu ca, từng giọng luyến láy chứa đựng niềm đồng cảm với nhân vật. Anh tâm sự: “Trong nghề tôi quý trọng nhất anh Minh Cảnh, người đã đặt nền tảng đầu tiên để tôi đến với nghề bằng nghị lực của mình. Tôi học ở anh sự nghiêm túc trong tập dợt, ở mỗi vai diễn, mỗi vở tuồng anh điều có một nguyên tắc để vào vai. Tôi tôn anh là sự phụ vì đức tính cầu toàn cho một vai diễn. Anh đã chỉ dạy tôi rất nhiều, từ cách ăn ở, đối xử cho đến những tít tắc diễn xuất trong nghề. Khi sân khấu gặp nhiều khó khăn, đời sống nghệ sĩ lớn tuổi như anh gặp nhiều khó khăn, bất trắc. Tôi và anh đã sát cánh bên nhau để tham gia những chương trình văn nghệ, từ thiện và biểu diễn ở các câu lạc bộ tài tử. Ở bất cứ nơi đâu anh cũng là nghệ sĩ của công dân, đặt hết niềm tin vào sân khấu. Năm ngoái, nhà văn hoà Thanh Niên và HTV tổ chức chuyên đề “nghệ sĩ Minh Cảnh - tiếng hát vượt thời gian”, tôi đã hân hạnh được diễn chung với anh qua trích đoạn Bên Cầu Dệt Lụa, lớp Trần Minh từ giả Nhuận Điền lên đường lai kinh ứng thí. Lớp diễn đó đối với tôi còn mang nhiều ý nghĩa. Rằng anh đã đặt hết niềm tin vào lớp trẻ. Cũng giống như Nhuận Điền không màng công danh, chỉ làm điểm tựa cho Trần Minh, đứa em kết nghĩa sớm công thành, danh toại. Anh là thế hệ đi trước, luôn dìu dắt thế hệ chúng tôi, nghĩa cử đó tôi mãi mãi ghi khắc trong lòng”.

Đã khá lâu từ sau buổi gặp gỡ anh tại quán NS trên đường Âu Cơ, đến nay mới bắt được liên lạc với nghệ sĩ Minh Cảnh. Bên kia máy anh cho biết anh đang ở Cà Mau, vừa ký hợp đồng biểu diễn với công ty du lịch Cà Mau, biểu diễn chương trình nghệ thuật tại nhà hàng Vân Thuỷ. Khi hỏi nhận xét của anh về cậu học trò Minh Minh Tâm, nghệ sĩ Minh Cảnh cho biết: “Tôi và Minh Minh Tâm quả là một cặp song sinh trên sân khấu, có một kỷ niệm vui là lần hát ở đoàn Sông Bé 2, tôi bị bệnh đột ngột nên vô vọng cổ không được. Thế là tôi nhờ Minh Minh Tâm cứu bồ, em đứng trong cánh gà ca câu vô, bên ngoài tôi nhép miệng. Còn lồng câu thì tôi ráng cho hết tuồng. Đó là kỷ niệm cứu Thầy của 3m mà tôi nhớ mãi. Giữa Tuấn Anh và Minh Minh Tâm hai gương mặt có giọng ca giống tôi, tôi quí Tâm ở đức tính cần cụ, siêng năng; quí Tuấn Anh ở sự bền bỉ với nghề. Cả 2 tuy chưa hẳn thoát khỏi sự trùng lắp về đài từ, cách luyến láy, nhưng ở suy nghĩ nhập vai, đã có những biểu hiện sáng tạo cho mình. Thực ra trong kho tàng cổ nhạc lâu nay, lớp sóng sau đè lên lớp sóng trước là điều tất nhiên. Tôi ghét cái cao là lên án sự “photo” của ai đó khi ám chỉ các đàn em khi bắt chước đàn anh. Vì sân khấu của chúng ta mang tính cộng đồng, lại không có hệ thống khoa học mạch lạc để dẫn giải sự khác nhau trong nhận thức. Từ đó dẫn theo vô số sự trùng lắp ban đầu, để rồi định hình cho nghề với những dấu ấn riêng biệt. Tôi sẽ rất vui khi Minh Minh tâm tìm được lối đi ngay dưới chân mìn. Lối đi đó dù có xa hình bóng của tôi dẫn để lại trong lòng khán giả sự yêu thích bởi ý chí cầu tiến. Xin hẹn một ngày gặp lại ở Sài Gòn.”

Anh cho biết ở Cà Mau, trong số 15 học trò mới nhận, cũng có người lấy cái chuẩn của nhiều gịong ca để noi theo. Tuy nhiên họ xác định với anh chỉ là giai đoạn đầu để tìm sự định hướng. Tôi tin rồi đây sẽ có nhiều cặp song sinh trên sân khấu như Minh Cảnh – Minh Minh Tâm để qua hình ảnh của người đi sau, công chúng vẫn thấy bóng dáng của thần tượng mình nhưng mang hơi thở và những suy nghĩ của thời đại mới.

ngocanh (Theo www.cailuongvietnam.com)