Tuesday, July 26, 2011

Nhân ngày giỗ lần thứ hai của cố nghệ sĩ Phùng Há

Ngày 05 tháng 07 năm 2011 là ngày giỗ lần thứ hai của cố nghệ sĩ Phùng Há, tôi gọi điện thoại về Việt Nam, hỏi các bạn soạn giả và các em, cháu nghệ sĩ để biết coi lễ giỗ được tổ chức như thế nào, ở đâu, có đông nghệ sĩ đến tưởng niệm người nghệ sĩ bậc thầy Phùng Há hay không, và cũng như năm rồi, giỗ của Bà cũng im lìm, vắng lạnh. Lễ giỗ lần thứ hai ngày mất của cố nghệ sĩ Phùng Há được tổ chức xong rồi, trong phạm vi gia đình và tổ chức hai tuần lễ trước ngày 05 tháng 07, là ngày bà mất.

Tôi vào internet để thử xem có tin tức tổ chức lễ giỗ này do các nghệ sĩ hải ngoại hay không nhưng không tìm được bản tin nào cả.
Tôi nhớ lại những câu thơ mà nhân ngày bà mất, thi sĩ kiêm soạn giả Kiên Giang đã đọc trước linh sàng:


Trả nợ dâu, nhớ thời lưu diễn
Những lời "cô Lựu" khắp muôn nơi,
Là bao người mẹ chung đau khổ
Nuôi cháu con khôn lớn giúp đời.
Phùng Há oai phong vai Lữ Bố
Khúc ca "Trường Hận" An Lộc Sơn,
"Đêm Dài Vô Tận"... tình vô tận
Phùng Há nức danh lượn sóng cồn.
Từ Cà Mau trở ra Hà Nội
Dù ở quê hương hay xứ người,
Coi hát, ai cũng yêu nguồn cội
Kiếp tầm phải trả hết ơn đời.
Tháng bảy năm hai ngàn lẽ chín
Một đêm tang lễ, nghĩa tình sâu
Sài Gòn tiễn biệt cô Phùng Há,
Trọn kiếp tầm đã trả nợ dâu.

(30/04/1911 - 05/07/2009)

Lễ giỗ bà Phùng Há lần thứ nhất chỉ có 9 nghệ sĩ đến tham dự, lễ giỗ năm thứ hai lại tổ chức trong âm thầm, chắc cũng chẳng có nhiều nghệ sĩ đến dự. Phải chăng có chút gì không thông giữa gia đình cố nghệ sĩ Phùng Há với Hội Sân Khấu hay với nhà cầm quyền thành phố?

Dẫu biết rằng một người đã chết thì có nghĩa là không còn hiện diện trên cõi đời này nữa, nhưng những kỷ niệm, những công trình, sự nghiệp của người đó đã lập nên lúc sanh tiền thì thế nào cũng còn lưu lại để người thân và bạn bè ghi nhớ. Những ngày kỵ giỗ là để con cháu, bạn bè, những người thân và quen biết cũ nhắc lại sự nghiệp và kỷ niệm của người đã mất để thêm thương, thêm nhớ, để học hỏi hoặc là thừa hưởng những thành quả của sự nghiệp, của những điều hay, điều tốt của người đã khuất.

Người ta có thể viết thành sách để kể về sự nghiệp nghệ thuật hoặc những việc làm công ích cho giới nghệ sĩ và cho xã hội của cố nghệ sĩ Phùng Há.

Tôi thường kể cho các bạn tôi nghe quãng đời hoạt động sân khấu của bà Phùng Há. Có thể nói là nếu theo từng chặn hoạt động sân khấu của bà Phùng Há, người ta biết được lịch sử phát triển của ngành hát cải lương. Người ta cũng sẽ hiểu trong thập niên 30, các tuồng cải lương được sáng tác ra sao, dùng những bài bản cổ nhạc nào. Nghệ sĩ mặc trang phục hát ra sao? Cách dàn cảnh, trang trí, ánh đèn sân khấu như thế nào? Trong những năm từ 1930 đến năm 1945, nghệ thuật sân khấu cải lương được thể hiện ra sao? Cách hát, ca và bài bản cổ nhạc trong những tuồng Tàu khác với cách hát ca các tuồng kiếm hiệp ra sao. Đời sống nghệ sĩ, lương phạn, việc di chuyển của đoàn hát trong thời kỳ nghệ sĩ cải lương còn ăn quán ngủ đình khác với thời kỳ hoàng kim sau năm 1954 như thế nào?

Chỉ có một mảng đời nghệ thuật của nghệ sĩ tài danh Phùng Há được cho là không minh bạch, rõ ràng, những nghệ sĩ đồng thời với bà có những nhận xét khác nhau, và mãi cho đến nay không ai dám kết luận như thế nào là đúng.

Đó là khoảng thời gian từ năm 1964 đến đầu năm 1967, nghệ sĩ Phùng Há đã cùng với nữ nghệ sĩ Kim Cương xuất ngoại, đi Pháp và ở lại thành phố Paris vài năm. Nhiều người Việt Nam định cư ở Pháp cho biết là bà Phùng Há và Kim Cương hát trích đoạn Phụng Nghi Đình, Lữ Bố Điêu Thuyền tại restaurant Table des Mandarins ở Paris để kiếm sống.

Người ta đặt câu hỏi: Tại sao đang sinh sống ở Sài Gòn, bà Phùng Há và nữ nghệ sĩ Kim Cương đi Pháp để làm gì? Nếu đi du lịch thì đi trong vài tháng là nhiều, tại sao hai nghệ sĩ tài danh này lại ở tại Pháp gần ba năm và phải đi hát ở restaurant để kiếm tiền sống qua ngày?

Còn nhớ ngày 30 tháng 01 năm 1964, Tướng Nguyễn Khánh đảo chánh với danh nghĩa là chỉnh lý, bắt 4 tướng lãnh trong Hội đồng Quân Nhân Cách Mạng "Đôn, Kim, Xuân, Đính" giam ở Đà Lạt.

Chỉ trong vòng nửa tháng sau khi cuộc chỉnh lý của Tướng Nguyễn Khánh thành công, giới nghệ sĩ và ký giả kịch trường biết tin bà Phùng Há và nữ nghệ sĩ Kim Cương đi Pháp.

Ký giả kiêm nhà văn Ngọc Linh loan tin là bà Phùng Há cãi nhau với nghệ sĩ Năm Châu về chương trình dạy trong trường Quốc Gia Âm Nhạc, khóa kịch nghệ nặng về chương trình Kịch Nói mà nhẹ về Cải Lương nên bà Phùng Há giận mới bỏ đi Pháp (tin này được tái đăng trong báo Sân Khấu Thành Phố).

Nghệ sĩ cải lương biết ký giả Ngọc Linh tung hỏa mù để che lấp mục đích đi Pháp thật sự của nữ nghệ sĩ Phùng Há, bởi vì ai cũng biết là ở Việt Nam, những khi có biến động chính trị, thay đổi từ chánh phủ này sang chánh phủ khác, việc xuất ngoại của công dân Việt Nam bị cấm cho đến khi có lịnh mới. Trong lúc sinh viên, học sinh và giáo phái Phật Giáo biểu tình liên miên, trong khi có thay đổi trong lãnh vực nhà cầm quyền, bà Phùng Há và Kim Cương không thể xuất ngoại với thẻ thông hành dân sự.

Sau đó các ký giả kịch trường khác cho chúng tôi biết: bà Phùng Há và Kim Cương, theo sự sắp xếp của Tướng Nguyễn Khánh, mang một số nữ trang và đô-la qua Pháp trước, phòng khi cuộc chỉnh lý thất bại hoặc tình hình chính trị bất lợi cho Tướng Khánh thì Tướng Khánh cũng đã chuẩn bị cho mình một cuộc sống giàu sang ở nước ngoài. Có tin là bà Phùng Há bị giữ lại tại phi trường Orly vì mang theo một va li hột xoàn. (Cựu tướng Nguyễn Khánh trong một cuộc trả lời phỏng vấn ở Virginia đã đính chánh là không có chuyện này).

Chúng tôi nghĩ đây chắc cũng là một thứ tin vịt khác. Vì hột xoàn ở đâu mà mang theo cả một va li? Và chắc bà Phùng Há và Kim Cương đâu có ngờ nghệch gì mà mang thật nhiều nữ trang phi pháp đó quá cảnh vào một nước kiểm soát hành lý nhập cảnh rất nghiêm nhặt như phi trường nước Pháp. Nếu mang nhiều hột xoàn như vậy phải có hóa đơn hợp pháp, phải đóng thuế, phải tuân theo những thủ tục nhập cảnh của Pháp. Chỉ trừ phi bà Phùng Há và Kim Cương xuất cảnh với giấy thông hành với công hàm ngoại giao!

Đến năm 1990, khi tôi định cư tại Montréal, trong cuộc họp mặt các bạn già trên Plaza Côtes des neiges, tôi gặp ông Mười Ích, một Giám đốc Công An thời VNCH, từng bị tù cải tạo 13 năm ở miệt núi rừng miền Bắc. Ông Mười Ích là em của ông Bảy Đình, cũng là Giám đốc Công an thời Pháp và VNCH, ông Bảy Đình là chồng của nữ nghệ sĩ Tư Hélène, bà ngoại của các nghệ sĩ tài danh Thanh Hằng, Thanh Ngân. Ông Mười Ích cho các bạn già có mặt trong bữa ăn hôm đó biết năm 1964, bà Phùng Há có bị bắt tại phi trường Orly vì mang theo nhiều nữ trang quan trọng. Chánh phủ VNCH thời ông Nguyễn Khánh đã thương lượng trao đổi với chánh phủ Pháp là chánh phủ Việt Nam thả một trung tá tình báo của Pháp đang bị chánh phủ của ông Nguyễn Khánh giam, đổi lại chánh phủ Pháp thả bà Phùng Há. Và sau đó bà Phùng Há được phóng thích. Bà ở lại Paris trong thời gian có nhiều biến động chính trị tại Việt Nam.

Ngày 13 tháng 09 năm 1964, hai tướng Dương Văn Đức và Lâm Văn Phát đảo chánh tướng Khánh dưới danh xưng là cuộc Biểu Dương Lực Lượng. Cuộc đảo chánh này thất bại, hai tướng Dương Văn Đức và Lâm Văn Phát bị bắt. Lần thứ nhì, cuộc đảo chánh của Đại tá Phạm Ngọc Thảo xảy ra ngày 19 tháng 02 năm 1965 cũng thất bại.

Thượng Hội Đồng Quốc Gia bị giải tán vào ngày 20 tháng 12 năm 1964. Tướng Nguyễn Khánh bị buộc rời khỏi chính trường và phải rời khỏi Việt Nam ngày 25 tháng 02 năm 1965 (theo tài liệu Việt Nam Cộng Hòa 1963-1967 Những năm xáo trộn của tác giả Lâm Vĩnh Thế).

Đầu năm 1967, bà Phùng Há và Kim Cương trở về Việt Nam, bà Phùng Há được mời làm giảng viên trong Ban Kịch & Cải Lương của Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn.

Tháng 07 năm 1995, bà Phùng Há trả lời cuộc phỏng vấn của ký giả Phan Hoàng (bài đăng trên Nguyệt San Kiến Thức Ngày Nay do NXB VN phát hành tháng 07 năm 1995) như sau:



Phan Hoàng: Trước đây bà từng có ý định sẽ sống hẳn ở Pháp, phải chăng đây cũng là cái giá phải trả cho sự “nổi tiếng”?

Phùng Há: Nhiều người biết là anh em Nguyễn Long, Nguyễn Khánh từng được tôi nuôi, cưu mang và chúng xem tôi như mẹ nuôi. Khi chế độ Ngô Đình Diệm ở miền Nam trước đây bị sụp đổ, Nguyễn Khánh lên làm thủ tướng. Lên ngày trước, ngày sau Nguyễn Khánh tới thăm tôi. Tôi là dân nghệ sĩ, không am hiểu gì về chính trị, nên chỉ lấy tình nghĩa mẹ con mà khuyên Nguyễn Khánh rằng: “Nếu con còn nghĩ đến tình nghĩa, thì đây là lời tâm tình của một người mẹ đối với con, còn không thì đây là lời chân thành của một nghệ sĩ già đối với thủ tướng, đó là con phải lấy dân làm gốc, đừng nên tham quyền cố vị, biết thương yêu dân hết mực để có chuyện gì thì dân đỡ đần cho...” Vì thấy Nguyễn Khánh trân trọng tôi, nên người ta nườm nượp tìm tới tôi, thông qua tôi để kiếm việc làm, hay mưu cầu lợi ích nào đó. Tôi thấy như vậy thật không ổn. Đó là họa chớ không phải phúc, nên chỉ gần nửa tháng sau khi Nguyễn Khánh lên làm thủ tướng là tôi sang Pháp. Tôi muốn suốt đời mình chỉ biết đến sân khấu mà thôi. Bây giờ ở Sài Gòn có những tin đồn thất thiệt sau khi tôi đi, tôi buồn lắm, không muốn quay trở về nữa.

Phan Hoàng: Nhưng sau đó bà cũng đã trở về!

Phùng Há: Dạ, chính là nhờ khán giả và anh Năm Châu, ảnh kêu tôi về. (cười)

Phan Hoàng: Nghĩa là thế nào, xin bà cắt nghĩa rõ hơn?

Phùng Há: Những ngày ở Pháp, tôi buồn và nhớ nhà, nhớ sân khấu Sài Gòn kinh khủng. Một ngày mùa hè năm 1965, tôi cùng vài người bạn thuê taxi từ Paris đi Nice nghỉ mát. Tài xế là một Việt kiều, mở cassette cho khách nghe tuồng Sân Khấu Về Khuya và Nước Biển Mưa Nguồn do anh Năm Châu viết kịch bản, từ Sài Gòn gởi sang. Nghe những lời ca của Giáng Hương trách móc Lĩnh Nam và khuyên chàng đừng nên phản bội lại khán giả thân yêu của mình, tôi bật khóc sướt mướt. Càng nghe tôi càng nghẹn ngào, càng khóc. Tôi nghĩ đó là những lời anh Năm Châu trách móc, khuyên tôi quay về. Không chờ lâu nữa, mọi giận hờn tan biến và vài tuần sau tôi đã xuất hiện trở lại trên sân khấu Sài Gòn.

Phan Hoàng: Trong cuộc đời mình, bà đã đi lưu diễn ở bao nhiêu nước?

Phùng Há: Khá nhiều. Tôi đã cùng đoàn nghệ thuật miền Nam trước đây cũng như cùng các đoàn nghệ thuật sau ngày đất nước thống nhất đi biểu diễn ở Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Maroc, Sénégal, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thái Lan, Liên Xô cũ... Nhưng có lẽ diễn nhiều nhất là ở Pháp.



Qua những câu trả lời của bà Phùng Há với ký giả Phan Hoàng báo Kiến Thức Ngày Nay, tôi thấy bà có những lời nói thật và những lời không rõ ràng về hoạt động nghệ thuật của bà trong những năm từ 1964 đến 1967.

Việc bà đi Pháp nửa tháng sau khi Tướng Nguyễn Khánh nắm quyền điều khiển đất nước, là có thật.

Bà nói tránh nhiều người cầu thân nhờ vả thì lý lẽ đó không đủ thuyết phục cho ta tin. Vì việc gì mà phải bỏ nước đi như đi trốn để tránh không muốn người ta nhờ vả? Và bà kết luận việc bà quyết định trở về nước là “mọi giận hờn đã tan biến sau khi nghe Giáng Hương ca vọng cổ?” Theo cách của bà nói người ta sẽ đoán là ông Năm Châu nhờ vả bà nhờ Tướng Nguyễn Khánh giúp cho Năm Châu điều gì hay sao? Không đúng! Ngàn lần không đúng! Nghệ sĩ Năm Châu trọn đời chỉ nghĩ đến sân khấu và nghệ thuật. Ông không khi nào nhờ vả ai giúp cho điều gì nhất là nhờ Tướng Nguyễn Khánh, là con của ông Nguyễn Bửu, người tình địch của Năm Châu! Bà Phùng Há nói Năm Châu là người bạn tình và bà lại lấy Nguyễn Bửu thì rõ ràng Năm Châu và Nguyễn Bửu khó mà đi chung một thuyền. Việc Năm Châu nhờ con của ông Nguyễn Bửu giúp thì muôn ngàn lần không thể xảy ra.

Vậy nên đi Pháp sau nửa tháng khi Nguyễn Khánh cầm quyền chắc là bà Phùng Há đã làm một sứ mạng gì do Nguyễn Khánh giao hoặc mang cái gì của Nguyễn Khánh đi Pháp!

Bà xác nhận có hát nhiều lần ở Pháp và ở Anh, Bồ Đào Nha, Maroc, Thái Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Liên Xô cũ, bà đi với đoàn nghệ thuật miền Nam và đoàn nghệ thuật sau này (tức sau 1975). Thông qua nhiều tin tức về hoạt động sân khấu của bà Phùng Há, thông qua băng video phim tài liệu Chân Dung Nghệ Sĩ Nhân Dân Phùng Há của đài truyền hình thành phố quay và phát hành, qua lời tự thuật của chính bà Phùng Há, và của cô Kim Cương, bà nhiều lần hát với Kim Cương không có tranh cảnh, không có giàn đờn chánh thức, hát bằng cassette thu nhạc sẵn, nhạc cassette phát ra và bà diễn, ca theo nhạc đó. Đó là hát ở restaurant Table des mandarins. Bà Phùng Há và Kim Cương cũng có đi hát dưới sự hướng dẫn của giáo sư Trần Văn Khê ở Budapest, ở Liên Xô cũ. Điều này chỉ có thể xảy ra sau khi bà và Kim Cương đi Pháp lúc Tướng Nguyễn Khánh cầm quyền. Sau đó Nguyễn Khánh mất chức thủ tướng, chắc bà và Kim Cương không nhận được sự chu cấp từ chánh phủ của ông Khánh nên bà phải đi hát ở quán Table des mandarins để sinh sống.

Nếu bà đi diễn với đoàn nghệ thuật sau năm 1975 thì phải có giàn nhạc đàng hoàng, phải có dàn cảnh và đông nghệ sĩ. Bà đã nói trong băng video Chân Dung Phùng Há, rằng khi bà hát ở Pháp, ở Liên Xô... bà phải nhờ MC giải thích cho khán giả biết cốt chuyện, sau đó bà giả định cái ghế trước mặt chính là Dương Quí Phi và bà trong vai An Lộc Sơn trong tuồng Trường Hận của Năm Châu.

An Lộc Sơn (Phùng Há) vượt ngàn dặm đường xa, đánh tan quân của Đường Minh Hoàng, về đến Mã Ngôi để gặp lại Dương Quí Phi. Có một thiên hạ nhà Đường trong tay, An Lộc Sơn muốn dâng cho Dương Quí Phi, nhưng hỡi ôi, Dương Quí Phi trước sự lên án của toàn quân, toàn dân đã thắt cổ tự ải.

An Lộc Sơn ôm xác nàng (giả định bằng chiếc ghế) trong cơn tuyệt vọng cất tiếng ca:


1- Cơ tạo tuần hoàn, trời đất vần xoay, bàn tay ai nắm mái âm dương, chia xuân hạ thu đông, đặt nhật dạ hàn ôn, làm cho vạn vật sinh linh, phải nằm trong định luật danh hư của tiêu trướng.

2- Ông có cảm tình chăng, có biết yêu chăng giờ phút tỉnh say này? Ông hãy làm cho mây trắng ngừng bay, nước xanh ngừng chảy, hoa tươi ngừng hương thắm, đó đây ngừng hơi thở, để lặng yên, mặt nhìn cho tận mặt, rồi lắng tai nghe đôi dòng máu chảy hòa nhau.

3- Thái Chân ơi! Đường rắp chông gai, cái nẻo tương lai như mờ sương tỏa khói, cửa Thanh Huê Cung, ngày đêm gài then khóa chốt, cái mối ước vọng cho đôi nhạn được tung trời chấp cánh, nhưng cái mối tơ tình biết ai kia còn gắng bó hay là niềm riêng đã phôi pha trong cơn gối mộng ngửa nghiêng tình.

Lời văn của ba câu vọng cổ ở đoạn cao trào nhứt của vở Trường Hận, tuy có chút sáo ngữ nhưng vẫn mang đầy đủ chất trữ tình của một mối tình không trọn vẹn giữa An Lộc Sơn và Thái Chân Dương Quí Phi.

Theo lời bà Phùng Há thuật lại trong băng video Chân Dung Phùng Há, toàn thể khán giả Liên Xô có mặt trong buổi đó đều hoan nghênh nhiệt liệt, trước tài năng diễn xuất của bà trong một lớp diễn không có màn trướng, không có xiêm y đúng theo tuồng, không có âm nhạc, đạo cụ.

Hôm nay nhân ngày giỗ lần thứ hai của cố nghệ sĩ tài danh Phùng Há, tôi xem lại băng video Chân Dung Phùng Há, đọc lại các trang sách, báo kể chuyện về con đường nghệ thuật và tấm lòng của nghệ sĩ nhân dân Phùng Há đối với nghệ sĩ cải lương, công lao đào tạo lớp nghệ sĩ trẻ, công lao lập Chùa nghệ sĩ, lập Viện dưỡng lão nghệ sĩ, lập Nghĩa trang nghệ sĩ, tôi bàng hoàng khi xét lại những việc xảy ra sau cái chết của nữ nghệ sĩ nhân dân Phùng Há.

Sau khi bà Phùng Há mất, ngày 02 tháng 09 năm 2009, giới nghệ sĩ xôn xao vì tin đồn Nghĩa trang nghệ sĩ sẽ bị giải tỏa để làm sạch môi trường. Sau đó UBND Gò Vấp đính chánh là không có giải tỏa Nghĩa trang nghệ sĩ. Chỉ biết là sau khi bà Phùng Há mất đi, các nghệ sĩ mất sau đó như nghệ sĩ Văn Ngà, soạn giả Ngọc Văn, soạn giả Quy Sắc, nghệ sĩ Kim Ngọc, Thanh Thanh Hoa, Nhị Kiều... không được an táng vào Nghĩa trang nghệ sĩ nữa. Vì ở quá xa nên tôi không hiểu được nguyên do là do gia đình không muốn an táng nghệ sĩ thân nhân của họ vô Nghĩa trang nghệ sĩ hay là hết đất để chôn hay là không được phép chôn ở đó nữa?

Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ đường Âu Dương Lân nghe nói cũng sẽ do Ty Thương Binh Xã hội & Lao động quận 8 tiếp thu và trực tiếp điều hành chớ không do Ban Ái Hữu nghệ sĩ quản lý như từ trước đến nay. Đến những ngày lễ Tết, hay có tin nghệ sĩ già yếu neo đơn, tôi định gởi tiền về giúp và vận động các bạn già của tôi ở Montréal giúp như những năm trước đây, nhưng các bạn già của tôi nói là chánh phủ đã quản lý thì để chánh phủ lo, cán bộ nhà nước nhiều đô lắm, mình rớ vô khác gì muối bỏ biển. Tôi cũng không biết đâu là sự thật?

Lại những ngày giỗ của bà Phùng Há, ngày 28 tháng 09 năm 2009, tức là sau hai tháng mất của bà, các nghệ sĩ tổ chức một đêm hát vinh danh bà, có 99 nghệ sĩ mỗi người cầm một cây nến đốt sáng để chứng tỏ bà đã sống 99 năm vinh quang trong nghề.

Đúng một năm sau, ngày giỗ lần thứ nhất của bà chỉ có đúng 9 nghệ sĩ đến cúng viếng.

Và giỗ lần thứ hai nghe đồn là số tiền phúng điếu lúc an táng bà được biết có 200 triệu đồng. Số tiền này Hội Sân Khấu, hay Ban Ái Hữu Nghệ Sĩ hay một cơ quan nào đó của nhà nước giữ, đến nay cũng không trao lại cho thân nhân của bà Phùng Há. Phải chăng đây là những cái lấn cấn làm cho các ngày giỗ của một nữ nghệ sĩ tài danh Phùng Há trở thành hoang vắng?

Các nghệ sĩ đàn em, các học trò của bà, các bạn từng cộng tác với bà trong lãnh vực nghệ thuật, trong công tác cứu trợ nạn nhân bão lụt mà bà đã đứng ra vận động tổ chức hơn 20 lần, các bạn không nhớ người thầy, người bạn, người nghệ sĩ đáng kính của mình hay sao?

Tôi ở xứ người, có nhớ Bà Phùng Há, chỉ là thắp nén nhang tưởng niệm, rủ vài bạn già lại uống trà nghe tôi kể chuyện công đức của người nghệ sĩ bậc thầy.

Tôi ráng chờ lần giỗ thứ ba, năm 2012, để xem sẽ ra sao!

Soạn giả Nguyễn Phương 2011