Tuesday, July 26, 2011

Khi người trẻ học hát cải lương - Điều đáng mừng

Mặc dù đời sống sân khấu cải lương luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng vẫn có không ít bạn trẻ mạnh dạn đặt niềm tin vào một ngày mai tươi sáng của cải lương. Tại sao?
Nhiều người trẻ thích cải lương

Nhìn lại chặng đường đã qua của sân khấu cải lương, ai cũng thừa nhận rằng, khi người trẻ thích cải lương, sân khấu cải lương sẽ sớm có được những gương mặt trẻ tài năng. Có thể kể đến các tên tuổi: Ngọc Giàu, Thanh Nga, Bảo Quốc, Lệ Thủy, Minh Vương… trở nên nổi tiếng khi còn rất trẻ.

Sau thế hệ nghệ sĩ này, có thể kể đến những gương mặt trẻ thành danh từ các khóa đào tạo diễn viên của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM, rồi đến các “lò” đào tạo của nghệ sĩ Bạch Long, nghệ sĩ Út Trong, nhạc sĩ Văn Bền… Đó là các nghệ sĩ Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Tấn Giao, Vũ Luân…

Nghệ sĩ Bạch Long, thầy của nhiều nghệ sĩ trẻ ở nhóm Đồng ấu Bạch Long, chia sẻ: “Cải lương có được những người trẻ yêu thích, đam mê là điều rất đáng quý. Với những người này, nếu có được môi trường học tập, thực hành tốt, cộng với sự khổ luyện thì họ sẽ sớm trở thành những gương mặt nghệ sĩ trẻ triển vọng”.

Nhạc sĩ Văn Bền nhìn nhận: “Sở dĩ khi người trẻ thích cải lương, học ca sớm thành danh là bởi họ không phải lo toan đủ thứ, ngoài ra, chất giọng còn tự nhiên, chưa bị ảnh hưởng của những giọng ca đi trước nên sau một thời gian luyện ca, mỗi người sẽ có một chất giọng khác nhau, dễ thu hút người xem, người nghe…”.



Một bạn trẻ của TPHCM đang luyện ca tại “lò” đào tạo của nhạc sĩ Văn Bền. Ảnh: VÂN AN


Sang chứ không sến

Sau một thời gian thiếu hụt đội ngũ kế tục, những người làm sân khấu cải lương mới nhận ra rằng, muốn vực dậy cải lương thì một trong những điều tiên quyết là phải đào tạo nguồn nhân lực mới, tươi trẻ cho cải lương. Chính vì thế mà từ năm 2010, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã kết hợp với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM chiêu sinh, mở lớp đào tạo diễn viên trẻ theo phương thức truyền nghề. Chính điều này đã mở ra những chân trời mới cho các bạn trẻ yêu thích cải lương có cơ hội trau dồi kiến thức một cách bài bản nhất.

Lớp học này đã tuyển chọn được 25 gương mặt trẻ, hầu hết là các học viên đến từ nhiều tỉnh thành khác để các nghệ sĩ nổi tiếng của TPHCM truyền nghề. Trong số những gương mặt trẻ đam mê sân khấu cải lương, có không ít người đang là sinh viên của các trường đại học, cao đẳng… Khi đến với cải lương, với sức hút của câu ca, tiếng đàn, họ sẵn sàng gác lại chuyện học để theo đuổi đam mê ca hát. Trong thời buổi hội nhập, cải lương càng chứng minh được sự sang trọng của mình, chứ không phải sến như một số người có cách nhìn thiển cận suy nghĩ.

Về cái sang của cải lương, Minh Nguyệt, một cô gái trẻ đang là chủ quán cơm chay ở Gò Vấp, hiện theo học ca tại nhà nhạc sĩ Văn Bền ở số 303/21 Bến Vân Đồn, phường 2, quận 4, nhìn nhận: “Mỗi khi gặp gỡ bạn bè, tôi thường hát cải lương, vọng cổ và thấy nhiều người rất thích thú nên tôi cố gắng đi học ca cho bài bản hơn! Tôi thấy cải lương, vọng cổ hiện nay là “hàng” sang thực sự”. “Bầu” Linh Huyền của Sân khấu cải lương Kim Châu nhận định: “Vấn đề là chúng ta khơi gợi niềm đam mê ấy như thế nào”.

Chính vì điều này mà từ nhiều tháng nay, chị đã mở lớp đào tạo cải lương tại gia để những người trẻ có thể theo học và bước đầu đã gặt hái được những thành công nhất định. Chỉ sau vài tháng học, một số học viên đã có thể bước lên sân khấu, tham gia biểu diễn một số vai nhỏ…

Có thể nói, niềm tin của những người trẻ về nghệ thuật cải lương cho thấy sức sống, sự lan tỏa của loại hình nghệ thuật này là rất lớn. Chẳng nói đâu xa, với các cuộc thi: Chuông vàng vọng cổ hay Giọng ca cải lương – Giải Bông lúa vàng… luôn thu hút hàng trăm, hàng ngàn người trẻ đăng ký tham gia. Với họ, đến với cải lương là hát cho thỏa đam mê và hát để dấn thân theo nghề, theo nghiệp. Đây là điều rất đáng mừng!



* Soạn giả Ngô Hồng Khanh: Hiện có rất nhiều người trẻ chịu khó học hát cải lương. Lúc đầu, có người chỉ vì bạn bè đi cùng cho vui. Nhưng ngày qua ngày, họ lại đam mê và tập tành ca hát. Một khi đã đam mê thì họ sẵn sàng tìm các “lò” của các thầy đờn dạy ca hoặc một số lớp dạy ca ở vài trường văn hóa nghệ thuật để theo học. Có thể nói, chính những người trẻ này sẽ góp phần làm cho sức sống của cải lương càng thêm mạnh mẽ, phong phú hơn.

* Nhạc sĩ Kiều Tấn, Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình TPHCM: Trong quá trình tổ chức cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, tôi nhận thấy ngày càng có nhiều người trẻ đến với cải lương hơn. Cải lương, vọng cổ không chỉ thu hút những người trẻ ở Nam bộ mà còn có cả những bạn trẻ ở Bắc bộ. Ở những cuộc họp mặt bạn bè, tiệc tùng, sinh nhật, nếu có bạn trẻ nào hát một bài hoặc một câu vọng cổ cũng đủ tạo nên sự thích thú cho nhiều người. Cải lương, vọng cổ giờ là đặc sản của văn hóa Nam bộ, toát lên được cái hay, cái đẹp, cái hấp dẫn rất đặc biệt.

* Đạo diễn Huỳnh Mai, Trưởng phòng Nghệ thuật – Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang: Ở lớp đào tạo diễn viên của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM phối hợp tổ chức, các học viên đa phần là 23, 24 tuổi.

Với sự tận tình chỉ dạy của các nghệ sĩ đi trước và sự khổ luyện của các học viên, đến cuối năm 2012, chúng ta sẽ có được một số gương mặt trẻ triển vọng cho sân khấu cải lương. Sở VH-TT-DL TPHCM đã có chỉ đạo cho nhà hát lên kế hoạch phối hợp với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM chuẩn bị chiêu sinh lớp đào tạo diễn viên tiếp theo để những bạn trẻ yêu thích cải lương có cơ hội học ca diễn cải lương một cách bài bản nhất. Còn đầu ra của những lớp đào tạo này cũng được nhà hát chuẩn bị chu đáo. Với các gương mặt trẻ tài năng, nhà hát sẽ bố trí về các đoàn hát để có thể ca hát, tham gia các vở tuồng mới…

* Ca sĩ Minh Thuận: Khi một số ca sĩ tân nhạc hát một vài câu vọng cổ hoặc trích đoạn cải lương, khán giả trẻ rất thích. Thậm chí, có nhiều khán giả trẻ còn hát nghêu ngao cùng các ca sĩ. Tôi nhận thấy, hiện nay có nhiều người trẻ thích cải lương. Cho nên tôi tin trong tương lai sẽ còn có nhiều người trẻ học hát cải lương hơn nữa.


ĐỖ HẠNH

ngocanh (Theo SGGP