Sunday, April 25, 2010

TÌM HIỂU VỀ NSƯT THOẠI MỸ



- Họ và tên: Nguyễn Thị Ngọc Mỹ

- Sinh Nhật: 28/4

- Khởi nghiệp:
Thoại Mỹ bắt đầu đi hát Cải Lương vào lúc mười một tuổi với sự dìu dắt của chị Thoại Miêu. Thầy Út Trọng là người đã dạy Thoại Mỹ hát Cải Lương.

- Thành công:
Năm 1991, Thoại Mỹ đạt Huy Chương Vàng Giải Trần Hữu Trang (Dự thi giải Trần Hửu Trang cuối năm 1991, và được trao HCV vào năm 1992).

Ðạt Huy Chương Vàng - Huy Chương Bạc Giải Mai Vàng do bạn đọc báo Người Lao Ðộng, bình chọn và diễn viên xuất sắc. Diễn thành công nhất là tướng Ngọc Kỳ Lân trong vai nữ soái Hồng Phụng.

12/09/2003 Ðạt Huy Chương Vì Sự Nghiệp Sân Khấu.

14/01/2004 Ðạt Giải Mai Vàng do Báo Người Lao Ðộng Bình Chọn.

21/04/2004 Đạt Huy Chương Vàng Diễn Viên Tài Sắc.

2005 Đạt Huy Chương Vàng Cải Lương Toàn Quốc trong vai "Rồng Phượng"

2007 Đạt Danh Hiệu Nghệ Sĩ Ưu Tú


NSƯT Thoại Mỹ đã có trên 20 năm tuổi nghề. 20 năm và sức hút của người nghệ sĩ như tăng cùng năm tháng. Live show Tung cánh phượng hồng diễn ra đến hai lần ở sân khấu Lan Anh, TP.HCM (25-6 và 15-8) mà vẫn tấp nập khán giả đến xem và sẽ tiếp tục lưu diễn tại Hà Nội.

Gia đình không có truyền thống làm nghệ thuật nhưng Thoại Mỹ "ngấm" cải lương từ người chị ruột là NSƯT Thoại Miêu. Những câu hò, điệu lý, những bài bản cải lương bắt đầu mê hoặc cô bé Thoại Mỹ gầy gò, đen nhẻm từ thuở 11, 12 tuổi. Trong một lần tình cờ, Thoại Mỹ được cho thử vai bé Sầu Riêng (vở Cây sầu riêng trổ bông). Chưa một lần lên sân khấu vậy mà cô bé cứ tỉnh rụi ca diễn làm mọi người tròn mắt ngạc nhiên... được cấp "giấy thông hành" để bước vào thế giới huyền ảo, đầy ánh sáng của sân khấu cải lương, năm 13 tuổi Thoại Mỹ được chọn vào lớp đào tạo diễn viên của Nhà hát Trần Hữu Trang và tốt nghiệp năm 16 tuổi, cùng khóa với Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Tô Châu, Thùy Trang… Không may mắn như những đồng nghiệp khác, Thoại Mỹ mất một thời gian dài rong ruổi theo các đoàn hát xuống tận các vùng sâu, vùng xa, lận đận từ những vai đào ba, đào tư, thậm chí có những vai xuất hiện chỉ nói được vài câu rồi... chết, vậy mà Thoại Mỹ vẫn mê mải và nhẫn nại theo nghề.

Duyên phận đào nhì

Chăm chỉ như con ong tẩn mẩn hút từng giọt mật ngọt thơm nghệ thuật, rồi cũng có ngày Thoại Mỹ được bước lên vai đào... nhì. Và như một duyên phận, vị trí đào nhì gắn bó với chị cả quãng đường dài. Có người tắc lưỡi , tiếc rẻ: tài sắc thế, ca hay thế mà lại… Chỉ có Thoại Mỹ là vẫn bình thản: "Nghề này ngộ lắm, tổ cho gì và đặt đâu là phải ở đúng chỗ đó...". Nói có vẻ an phận vậy mà Thoại Mỹ chẳng chịu an phận chút nào. Không mặc cảm với vị trí đào nhì của mình, chị còn yêu thương và miệt mài gọt giũa nó, từ ánh mắt sắc như dao cạo đến câu nói hờn dỗi nhẹ nhàng đều được chị chăm chút và "thả” cảm xúc rất liều lượng, chuẩn mực, tâm lý nhân vật được chị đẩy đến cùng và kéo lại một cách ngọt xớt!
Cái cách làm nghề nghiêm túc ở bất cứ vị trí nào khiến Thoại Mỹ trở thành một người "đặc biệt" của làng cải lương: đào nhì mà vẫn nổi tiếng, đào nhì mà khó ai có thể thay thế! Thậm chí trong một số vở, người ta còn nói đùa đào nhì Thoại Mỹ... "giết" đào chính vì diễn xuất có thần của cô làm mờ đi vị trí của sao!
Năm, sáu năm gần đây, từ đào nhì Thoại Mỹ đường hoàng bước lên vị trí đào chánh với nhiều vai: Thái Bình công chúa (Thái Bình công chúa), Võ Tắc Thiên (Võ Tắc Thiên), Hương (Nửa đời hương phấn), nàng Én (Người đẹp đến Tiền Châu), Phượng (Rồng phượng)…

Là đào chánh rồi mà Thoại Mỹ vẫn còn "vương vấn" với thời đào nhì, có lẽ nó "vận" vào chị quá lâu nên chị đã quen hủ hỉ, vui buồn cùng nó. Chị thật thà tự nhận thích đóng những vai này vì thường có tâm lý phức tạp, nhiều đất diễn. Kinh nghiệm làm đào nhì cũng khiến Thoại Mỹ có thể hóa thân vào nhiều tính cách khác nhau chứ không đóng khung ở một dạng vai nào cả.

Say nghề nên đa đoan...

Chia tay cuộc sống hôn nhân cả chục năm nay nhưng Thoại Mỹ vẫn lặng lẽ đi về một mình một bóng. Không "đổ thừa" cho nghề, "Chắc do đường tình duyên của mình lận đận thôi..." - chị nói khẽ. Những nỗi niềm riêng, những đau đáu mong chờ... Thoại Mỹ dồn hết vào các vai diễn khiến nhân vật của chị ngày càng đầy đặn, sắc sảo hơn. Xem Thoại Mỹ diễn bây giờ cảm nhận được sự sâu sắc của người đàn bà có nhiều trải nghiệm cuộc sống, chín chắn và sâu lắng hơn.

Giờ đã lên hàng "sao" nhưng Thoại Mỹ vẫn hăng hái tham gia các chương trình văn nghệ phục vụ cộng đồng, phục vụ những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở nơi biên giới, đảo xa... Trung bình một năm chị có khoảng mười chuyến biểu diễn như thế. Ngoài ra, chị còn vận động tài trợ để một năm có hai, ba đợt hoạt động từ thiện, xây nhà tình thương, phát gạo, tổ chức khám bệnh cho người nghèo. Nhiều lời ong tiếng ve cho rằng đó là cách đánh bóng tên tuổi nhưng Thoại Mỹ vẫn điềm tĩnh: "Nếu ai đã từng ở trong cảnh nghèo đến độ thèm khát từng miếng nước hủ tiếu thừa, đứng trên sân khấu hát vai no đủ mà đói vàng mắt, hoặc có mẹ làm mướn đến kiệt sức rồi qua đời như tôi mới thấy việc chia nắm gạo, bát cơm cho người khác là cần thiết và quí báu đến nhường nào. Ai nói gì kệ họ, tôi thấy việc đó có ý nghĩa thì tôi cứ làm".

Đi cùng những chuyến biểu diễn trong và ngoài nước dày đặc, Thoại Mỹ vẫn đang ôm ấp dự định đầu tư làm một vở cải lương lịch sử hoành tráng (như kiểu Kim Vân Kiều) nói về vua Trần Nhân Tông, người sáng lập ra phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Được làm vở diễn về ông là cách chị bày tỏ lòng kính phục và sự tự hào với vị vua anh minh của đất nước.

Từng trải qua giai đoạn khó khăn trong chuyện tình cảm, NSƯT Thoại Mỹ tâm sự, hiện giờ lòng chị đã tĩnh tại và dốc sức cho sân khấu. Chị cho biết, ngoài hai đứa con nuôi, chị đang có một bờ vai bên cạnh để nương tựa.

- Dạo này khi gặp nghệ sĩ Thoại Mỹ ngoài đời, không ít người ngạc nhiên vì chị trẻ trung hẳn, vì sao thế?

- Trước đây, vì có vài chuyện buồn, tôi khóc rất nhiều, mặt mày xuống sắc rõ nét. Nhưng rồi tôi nghĩ "mình phải tự cứu lấy mình", tôi tìm đến kinh kệ nhà Phật, khi đọc kinh thấy nhẹ lòng. Tôi san sẻ tình cảm yêu thương cho hai con nuôi và mở cửa trái tim để đón nhận tình cảm của mọi người. Nói thật là vài năm trở lại đây tôi thấy đời mình bớt sóng gió đi, và thêm nhiều thoải mái, bình yên.
Nghệ sĩ nói chung và nữ nghệ sĩ nói riêng thường là những người giàu tình cảm. Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, chị lấy thăng bằng cho mình bằng cách nào?

- Khi lấy chồng vào năm tôi 21 tuổi, chúng tôi đã có thời gian sống thử với nhau trước đó khá lâu. Thế nhưng, đến năm tôi 28 tuổi thì xảy ra đổ vỡ. Thật ra, ban đầu, tôi cũng chỉ nghĩ thử làm liều ly dị để người ta nhận ra cái sai, để thấy mình cần thiết với người ta và có thể người ta thương mình hơn rồi quay lại. Nhưng khi đã xa nhau, người ta vẫn không nhận ra điều đó. Rồi đến lúc, anh ấy muốn quay lại thì đã muộn.

Giờ mọi chuyện xa rồi, tôi cũng đã có một bờ vai để mình nương tựa, còn chồng tôi đã có gia đình riêng. Chúng tôi vẫn xem nhau như bạn.

Khi yêu ai tôi yêu hết mình, hết lòng, nên khi đổ vỡ thì dễ rơi vào thất vọng. Cũng may, khác với trên sân khấu, ngoài đời tôi là người luôn tỉnh táo trước mọi việc và rất biết thích nghi với mọi hoàn cảnh.
- Vốn dành nhiều thời gian để biểu diễn cho khán giả ở những vùng quê, chị cảm nhận sức sống của nghệ thuật cải lương tại những nơi này thế nào?

- Ở các tỉnh miền Tây, cải lương vẫn diễn được và còn đất sống dồi dào. Càng đi vào vùng sâu vùng xa, tôi càng thấy tình cảm của bà con dành cho cải lương dường như không thay đổi. Ngay khi trời mưa, sân bãi sình lầy, sân khấu nhem nhuốc mà người xem vẫn háo hức đến để được nghe đôi câu vọng cổ.

- Chị có thể chia sẻ kỷ niệm về một chuyến lưu diễn đáng nhớ của mình?

- Mới đây, tôi có chuyến lưu diễn rất thú vị cùng nghệ sĩ Trọng Phúc, Vũ Luân tại Cà Mau. Từ TP HCM, tôi đi xe hơi về thành phố Cà Mau, rồi đón xe ôm, sau đó leo lên ca nô, đi tàu... để vào được tận những vùng nông thôn có cái tên chắc ít người nghe đến như: Đầm Cùng, Cái Nước, Rạch Gốc, Cái Đôi Vàm, Ông Trang... Một ngày chúng tôi phải di chuyển nhiều cây số qua nhiều phương tiện, may mà có sức khỏe tốt, chứ nếu không, đến nơi chưa chắc có thể nói ra hơi huống gì là hát.

- Chị đắt sô và bận rộn với việc ra album, ghi đĩa, biểu diễn trên sân khấu tại thành phố. Vì sao chị lại bỏ công sức về quê xa, tỉnh lẻ diễn trong khi những nơi này giá vé bán ra chỉ ở mức bình dân?

- Chỉ khi diễn ở tỉnh xa, tôi mới có dịp ngồi xe ôm để chuyện trò cùng người lái xe xem năm nay người vùng quê được mùa hay mất mùa; năm nay họ trúng hay lỗ vuông tôm. Ở quê bây giờ, có người còn bán tôm, bán lúa để có tiền mua vé xem cải lương, ca nhạc. Xem xong, nhiều khi họ chỉ cần được chụp hình chung hoặc chạm vào người nghệ sĩ một cái là đã thấy vui. Đó là trải nghiệm quý giá trong đời một người nghệ sĩ.

- Kế hoạch dành cho nghệ thuật cải lương trong năm 2009 của chị là gì?

- Trước mắt, tôi chuẩn bị tiết mục biểu diễn trong chương trình hội ngộ của nghệ sĩ Vũ Linh và nghệ sĩ Thanh Tâm. Sắp tới, nghệ sĩ Hương Lan thực hiện một liveshow và tôi cũng được mời tham gia một trích đoạn. Ngoài ra, tôi luôn mong TP HCM có một rạp hát thật đẹp dành cho cải lương để anh em nghệ sĩ có chỗ tập tuồng mà không phải thấy chuột, và có chỗ để thỏa sức sáng tạo, làm nghề.

LÊ BÌNH tổng hợp từ thoaimy.com- Theo VietNamExpress