Saturday, April 24, 2010

Thăm mộ Cố Nhạc Sĩ Cao Văn Lầu



Tháng 8 năm 2008 tôi đã có dịp đến thăm bảo tàng Bạc Liêu có trưng bày hình ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tác giả của bản nhạc Dạ Cổ Hoài Lang nổi tiếng. Năm nay, ngày 4. 4. 2009 - 10. 3 âm lịch vừa lễ giỗ tổ Hùng Vương, vừa đúng tiết thanh minh tôi may mắn được về Bạc Liêu và đến viếng mộ Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Tại đây tôi còn được gặp các cháu nội, cháu ngoại của cố nhạc sĩ và được nghe họ ca Dạ Cổ Hoài Lang và Vọng cỗ. Những hình ảnh ghi vội dưới đây tại khu lăng mộ bậc tiền nhân tài hoa, người đã gởi lại đời làn điệu cổ nhạc bất hủ.
Khi nhắc đến Bạc Liêu, không ai là không biết đến giai thoại công tử Bạc Liêu cùng với “dạ cổ hoài lang”-một bài cổ nhạc bất hủ. Nó luôn sống mãi trong lòng người bởi giai điệu ngọt ngào tha thiết mà ẩn sâu là chính nỗi lòng của tác giả. Người ấy không ai xa lạ mà chính là cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu-người đã sống hết mình vì nghệ thuật với bao gian lao thử thách trên đường đời.

Bây giờ ông không còn nữa nhưng hình ảnh của ông vẫn còn lưu giữ mãi trong lòng tất cả mọi người. Phần mộ của ông giờ đã được xây dựng khang trang hơn, nằm trong khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu luôn sẵn sàng phục vụ những người yêu vọng cổ muốn tìm hiểu về cuộc đời của ông.


Hiện nay, phần mộ của cố nhạc sĩ cùng vợ đã được xây dựng khá sạch đẹp, với sân thoáng và rộng. Đến với nơi đây, các bạn còn được gặp gỡ con, cháu nội, cháu ngoại của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, giao lưu âm nhạc và được nghe kể lại cuộc đời đầy sóng gió của người nghệ sĩ tài năng. Sinh ra trong một gia đình nghèo, từ nhỏ ông đã phải vất vả cùng cha mẹ đi đến nhiều nơi, làm thuê rồi chạy ăn từng bữa. Là một người yêu thích đàn, siêng năng học tập, từ khi còn rất trẻ, ông đã mau chóng sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như đàn tranh, cò, kìm, trống lễ và trở thành nhạc sĩ nồng cốt trong một ban nhạc cổ. Sau đó, nghịch cảnh lại đến với ông khi sau ba năm mà vợ ông vẫn không có dấu hiệu thai nghén, bị trả về nhà cha mẹ ruột. Nỗi đau xa cách người thương như xoáy vào lòng ông. Trong đêm trung thu, ông trằn trọc không ngủ với bao ngổn ngang tâm sự cùng với tiếng trống canh vọng xa xa càng khiến ông đau lòng. Và rồi, từng câu, từng giai điệu đã được hình thành từ tận sâu trong đáy lòng ông.
Từ là từ phu tước. Bảo kiếm sắc phong lên đàng. Vào ra luống trông tin nhạn. Năm canh mơ màng…..Nỗi nhớ thương, mong đợi đã góp cho giai điệu của bài vọng cổ thêm truyền cảm và da diết hơn. Sau nhiều lần sửa chữa, bài “dạ cổ hoài lang” đã được ra đời, lan truyền nhanh chóng và làm xao động biết bao thế hệ người nghe…

Giờ đây, 90 năm đã trôi qua, cũng là chừng ấy năm bản vọng cổ cùng làm bạn tâm tình của biết bao người dân Nam Bộ. Giai điệu ngọt ngào, nhớ thương da diết ấy sẽ còn mãi, không bao giờ phai nhạt.
Đứng trước mộ cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, trong nhang khói nghi ngút, một lòng thành kính trang nghiêm như phủ lên hết nơi này. Ta biết ơn người đã sáng tác ra một bài “dạ cổ hoài lang” bất hủ góp phần làm tăng thêm sức sống cho cải lương Nam Bộ. Tuy ông đã không còn, nhưng những thành quả, công lao của ông vẫn còn để lại cho các thế hệ mai sau….

Cùng với sức sống mãnh liệt của “dạ cổ hoài lang”, tên cố nhạc sĩ Cao Văn Lòng sẽ còn được nhắc mãi cho dù thời gian có trôi đi…
Vietbalo - Tổng hợp