Wednesday, December 9, 2009

Chuyện những người muốn... chết


Chuyện những người muốn... chết
Nằm ở góc phòng, sát với tấm cửa kính tràn ngập ánh nắng là vẻ thiểu não thẫn thờ của em N.T.H, 19 tuổi. Ánh mắt yếu ớt của em so với những ca tự tử khác vẫn còn là "khỏe" hơn nhiều.

Chúng tôi đã chọn "nhầm" lúc khi đến với Khoa A9 - Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai vào giữa buổi sáng. Dường như các bác sĩ, y tá ở đây bận rộn đến nỗi không còn nhận biết có người lạ đang đứng trong Phòng hồi sức cấp cứu. Các ca cấp cứu khẩn cấp nằm la liệt khắp bốn xung quanh, chẳng có bất kỳ một giường trống nào. Phải mất một lúc lâu chờ đợi tôi mới thấy phút rảnh tay của bác sĩ Nguyên, anh cho biết: "Các trường hợp ngộ độc thuốc, hoá chất do tự tử chuyển vào đây thì nhiều lắm, hầu như ngày nào cũng có, còn các vụ tự tử "nặng" hơn thì chắc không thể chuyển vào đây nữa rồi".

Nằm ở góc phòng, sát với tấm cửa kính tràn ngập ánh nắng là vẻ thiểu não thẫn thờ của em N.T.H, 19 tuổi. Ánh mắt yếu ớt của em so với những ca tự tử khác vẫn còn là "khỏe" hơn nhiều, bởi lẽ phần đông những ca nằm tại đây đều đang trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu và liên tục cần tới sự trợ giúp của máy móc. Bác sĩ Nguyên cho biết: "Thường thì những người tự tử không muốn kể lể cho người khác về tâm sự của mình, ngay cả thân nhân của họ cũng vậy. Phần vì ngại ngùng xấu hổ, phần vì sợ hàng xóm láng giềng biết chuyện".

Thế nên phải mất khá nhiều thời gian tôi mới có thể trò chuyện với cô gái trẻ về sự việc của mình. H. sinh ra trong một gia đình công chức ở tỉnh Bắc Ninh. Sống trong sự chiều chuộng của bố mẹ từ nhỏ, H. chẳng bao giờ phải thiếu thốn một chút gì về vật chất. Ở trường em cũng luôn là học sinh khá giỏi nhiều năm, tóm lại, cuộc sống của H. từ nhỏ cho đến năm em 17 tuổi là niềm mong muốn của nhiều cô gái khác.

Tuy nhiên, bước ngoặt xuất hiện vào năm học lớp 11, H. nảy sinh tình cảm với một cậu bạn tên T. cùng lớp. Đường tình yêu đúng là cũng có cả chông gai, "mèo mù vớ cá rán" thế nào mà cái cậu học sinh thuộc dạng cá biệt, gia đình khá giả nhưng chỉ giỏi nhất môn "bùng học", lại được giao cho H. kèm cặp để thành đôi bạn cùng tiến. Vốn ban đầu chỉ là một nhiệm vụ "khó chịu" của lớp giao cho vài bạn học khá nhất, thế mà theo năm tháng, sự "khó chịu" ấy mất đi để thay thế vào đó là hẳn một tình cảm trong sáng, sự rung động hiếm có của một cô gái mới lớn hiếm khi tiếp xúc với bạn khác giới.

Cuối năm lớp 11, H. và T. đã chính thức yêu nhau, chỉ có điều thay vì sự tiến bộ của T. như mong muốn ban đầu là sự thụt lùi của H. trong học tập và lối sống. Bố mẹ H. luôn miệng can ngăn: "Mày là đồ ngu, phụ công cha mẹ rồi con ạ". Chúng bạn cũng tỏ ra hết sức ngạc nhiên nhưng có lời khuyên nào phát huy tác dụng với những "con tim mù loà".

Quả thật, cái sự "ngu" kia dần dần thấm vào H. Chứng nào tật ấy, những buổi đi chơi, trốn tiết của T. vẫn diễn ra triền miên, và giờ thì có thêm cả H. Cô gái trẻ nhận thức được điều đó, lo lắng và đấu tranh tư tưởng nhiều lần, nhưng vì tình yêu mù quáng và sự non nớt của bản lĩnh, H. tiếp tục im lặng đi vào vết xe đổ. Để rồi đến một ngày giữa năm học lớp 12, thứ tình cảm mà em cho là thiêng liêng nhất ấy bỗng đột ngột vỡ tan khi H. chứng kiến T. đang dần xa lánh cô để chuyển sang một mục tiêu khác là cô gái cùng trường. Sự uất hận này chẳng biết chia sẻ cùng ai bởi lẽ những bạn bè ngoan ngoãn, thân thiết nhất cũng đã rời xa khi thấy H. yêu T.

Và nỗi đau đớn tuyệt vọng không nguôi mà cứ lớn dần, H. tâm sự: "Cách đây một tháng, trong đầu em luôn tồn tại hình ảnh của cái chết. Tự nhiên em không còn thấy tin ai, và cũng không còn thiết tin ai để làm gì nữa. Em chỉ nghĩ rằng, mình đã mất tất cả rồi, không xứng đáng với bố mẹ bạn bè nữa, và nên chết đi là tốt nhất. Cứ nghĩ tới mỗi lần bố em ốm nằm đó mà em thì mải đi chơi, là em thấy lỗi lầm của mình không thể sửa được".

Suy nghĩ của một cô gái mới lớn, thông minh học giỏi trước kia hoá ra lại chỉ ngắn ngủi có vậy. Cô bé thực hiện ý đồ bằng cách ăn bớt những viên thuốc ngủ đặc trị trong mỗi lần đi lấy thuốc cho bố và "để dành". Khi đã cảm thấy đủ liều để... chết, H. bỗng do dự, và trở nên rất quấn quýt với các thành viên trong gia đình, nhưng rồi nỗi buồn, sự uất hận chẳng được san bớt kia lại ùa về "giục giã". H. chọn khoảnh khắc là một buổi tối vắng lặng, khi mà em cảm thấy buồn bã và cô đơn nhất, viết một lá thư đầy nước mắt để từ biệt mọi người, ngồi chơi với bố một lúc rồi vào phòng khoá trái cửa, uống một mạch tất tay số thuốc "để dành" bấy lâu nay.

Nhưng cái chết rất may không đến với H. dễ dàng, bố em lúc gặp mẹ đã kể lại chuyện em khóc rất nhiều mà chẳng nói năng gì nên bà mẹ nóng ruột sinh nghi. Khi gọi cửa thấy khoá trái đã vội hô hàng xóm sang phá cửa xông vào đưa em đi cấp cứu kịp thời. Đó là thời khắc mà H. đã đi được... nửa con đường xuống âm phủ, em hôn mê, lạc nhịp tim, mạch thoi thóp.

Các bác sĩ Khoa A9 đã phải tận dụng những thiết bị hiện đại nhất và rất vất vả mới giúp em thoát khỏi bàn tay tử thần. Giờ đây, khi đã dần bình phục, H. vẫn còn rất mệt mỏi nhưng vẫn cố mỉm cười: "Thật lạ là lúc đó em không hề thấy sợ chết anh ạ, mà trái lại, em còn nghĩ rằng mình sắp lên thiên đường nơi không còn đớn đau sầu não gì nữa. Tỉnh lại nhìn thấy mẹ, em mới thấy mừng quá. À mà anh đưa lên báo thì nhớ xoá địa chỉ và tên em đi, mẹ em bảo bạn bè và hàng phố không có ai biết, nhỡ có thì em xấu hổ... chết".

Nghe từ "chết" phát ra từ miệng người vừa tự tử, tôi lại thấy giật mình. Tạm biệt H., gặp lại bác sĩ Nguyên, anh bộc bạch: "Trường hợp tự tử trong giới trẻ thường rơi vào nữ nhiều hơn nam, có lẽ do tâm lý họ yếu hơn. Người già thì chỉ những trường hợp bệnh nặng, tâm thần mới tự tử. Duy có điều tôi tự nghiệm ra không biết có đúng không, là số ca tự tử ở những sinh viên chăm chỉ hầu như không có. Phải chăng là do họ quá vất vả với việc học tập, không còn thời gian để vướng vào những khúc mắc xã hội khác?". Câu trả lời xin dành cho các bác sĩ chuyên khoa tâm lý.

Tuy nhiên, ca tự tử và được cứu sống kịp thời như H. vẫn còn là "may mắn" chán so với những vụ tự tử thời gian gần đây mà nạn nhân không còn cơ hội được cứu. Tự tử diễn ra vì rất nhiều lý do, nhưng những nạn nhân liệu đã tìm được con đường giải thoát, hay xét về khía cạnh nào đó, chỉ là sự ích kỷ của bản thân, để lại cho thân nhân, bạn bè bao nỗi xót xa. Tự tử ngoài lý do bệnh lý tâm thần, thì phần lớn là sự thừa nhận thất bại một cách hèn nhát, thiếu bản lĩnh.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống