Sunday, August 9, 2009

Điểm thi đại học thấp: Không phải do trình độ học sinh sa sút


TTCT - Thống kê điểm thi Đại học (ĐH) năm nay khiến nhiều người suy nghĩ: Tại sao một số trường (ĐH Đà Lạt, ĐH Kỹ thuật công nghệ...) 98-99% thí sinh có điểm Toán khối A - B dưới trung bình?

Theo chúng tôi, về mặt quản lý nguyên nhân chính của hiện tượng nêu trên thuộc về chi tiết có vẻ ít được chú ý nhất: tiêu chí ra đề thi ĐH!


Phụ huynh chờ đón thí sinh kỳ thi đại học năm 2009 trước hội đồng thi Trường đại học Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng


Cần nói thêm, theo quy chế “ba chung” (chung đợt thi, chung đề thi, sử dụng chung kết quả) với yêu cầu điểm vào ĐH phải trên điểm sàn Bộ GD-ĐT công bố, hiện tượng điểm thấp bất thường chẳng những khiến xã hội đặt câu hỏi về trình độ con em, giới chuyên môn hoài nghi về độ phân loại của đề mà còn khiến nhiều trường (đặc biệt các ĐH có nhiều thí sinh dự thi điểm thấp) sẽ gặp nhiều khó khăn và rất bị động để hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh.

Bài học năm 2002 tái diễn

Ở năm đầu tiên 2002 tuyển sinh ba chung, ngay sau buổi thi toán đề toán khối A được khen rất cơ bản, không đánh đố, hoàn toàn phù hợp tiêu chí ra đề (nghe cũng tương tự đánh giá về đề toán khối A 2009). Thế nhưng điểm toán khối A năm đó thê thảm hơn cả năm nay: toàn quốc hơn 90% thí sinh dưới 3 điểm toán dù đề năm 2002 không có câu phân loại (câu dành cho học sinh giỏi). Hậu quả là điểm sàn khối A năm 2002 thấp đến mức thí sinh 7 điểm ba môn, không cộng điểm ưu tiên khu vực cũng vào được trường ĐH lớn tại TP.HCM. Bài học năm 2002 đã không được ghi nhận nghiêm túc trong tiêu chí ra đề để rồi tình huống tái diễn dù ở mức độ thấp hơn vào năm 2009.

Theo chủ quan chúng tôi, tiêu chí ra đề phải có thêm mức định lượng, chẳng hạn phải bảo đảm phổ điểm kết quả “đẹp”, phân bố chuẩn, đỉnh hình chuông rơi vào vùng quanh 5 (hoặc lớn hơn càng tốt), gộp lại ba môn sẽ khiến mức điểm sàn không dưới 15. Muốn làm được điều này, trước tiên bộ phải chuẩn hóa chương trình phổ thông theo tiêu chí đầu ra, chẳng hạn học sinh tốt nghiệp phải nắm được những dạng bài tập nào cụ thể. Đề thi từ phổ thông đến ĐH (không nên buộc cứ phải giới hạn 10 câu) phải bảo đảm tối thiểu phân nửa số câu hỏi rơi vào các câu hỏi chuẩn mực, có thể thay đổi hình thức để không trùng hoàn toàn với dạng chuẩn đã công bố.

Việc ra đề còn mang tính chủ quan

Đó chỉ là một phương án kỹ thuật đề nghị, nhưng quan trọng hơn là tư duy kiểm định chất lượng với học sinh: khi tốt nghiệp phổ thông, học sinh phải được bảo đảm đã biết những kiến thức, kỹ năng nào, cũng như đề thi phải thể hiện việc kiểm tra các kiến thức nền đó. Chỉ sau khi đã buộc học sinh thể hiện được các kiến thức cơ bản mới nên ra thêm các câu hỏi bổ sung nâng cao. Thậm chí điểm thi công bố có thể tách thành hai phần: cơ bản + nâng cao, để những trường ĐH không cần yêu cầu đầu vào khắt khe có thể thực hiện được dễ dàng mục tiêu tuyển sinh của mình.

Riêng về điểm toán khối A năm 2009, chúng tôi cho rằng đề là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến điểm thi thấp chứ không phải do trình độ học sinh sa sút. Cũng như năm 2002, so với năm trước (2008) đề 2009 thay đổi nhiều hơn mức bình thường, điều thường gây khó khăn cho học sinh.

Dẫu sao ra đề ĐH tuyển chọn học sinh toàn quốc chắc chắn là công việc rất phức tạp. Lẽ ra nhà quản lý cần phải chuẩn bị tốt nhất cho nhóm ra đề bằng một chương trình phổ thông chuẩn hóa dạng cho phép kiểm định chất lượng, đồng thời đề ra phải bảo đảm được mục tiêu tuyển sinh cho tất cả trường ĐH bằng một kết quả “đẹp”. Bộ GD-ĐT chưa làm được việc này, khi còn để việc ra đề mang tính chủ quan từ một nhóm chuyên viên, câu chuyện điểm thi như toán năm 2002 hay 2009 vẫn sẽ còn khả năng tái